Tọa đàm JST tháng 10 về chủ đề: Toàn cầu hóa, Chế độ chính trị và Đại dịch Covid-19

25 tháng 11 năm 2021

Ngày 12/10/2021, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) đã tổ chức thành công phiên tọa đàm cuối cùng trong kế hoạch tổ chức chuỗi hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) của năm 2021. Tọa đàm JST tháng 10 vinh dự đón tiếp diễn giả khách mời – Giáo sư Klaus F. Zimmermann với chủ đề “Toàn cầu hóa, Chế độ chính trị và Đại dịch Covid-19” cùng hơn 100 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, bao gồm các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Ả Rập Xê út, Đài Loan…

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất sắp kết thúc, Đại dịch cúm năm 1918, hay còn được biết đến “” là một trong những  nguy hiểm nhất trong lịch sử. Ước tính có khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới (tương đương 33% dân số lúc đó) mắc bệnh và 50 triệu người tử vong. Ngay sau đó, các chính sách kiểm soát dịch bệnh như: Hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa nhà hàng, quán ăn... được ban hành cùng với dịch vụ y tế công cộng đã giúp kiểm soát đại dịch thành công. Hiện nay, cả thế giới lại một lần nữa trải qua đại dịch Covid-19; chính vì vậy, liệu rằng vấn đề toàn cầu hóa đã tác động thuận lợi hay khó khăn hơn đến việc kiểm soát dịch bệnh ở các quốc gia? Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đã và đang nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do Covid-19.

Thực tế cho thấy đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động lớn đến kinh tế, xã hội, và chính trị ở phạm vi toàn thế giới. Để giảm sự lây lan của Covid-19, nhiều quốc gia lần lượt thay đổi các chính sách và quy định nhằm hạn chế người dân tiếp xúc trực tiếp; các chính sách và quy định này ngày càng được siết chặt hơn cùng với việc xuất hiện nhiều biến chủng nguy hiểm của virus Covid-19. Sự ra đời của vaccine ngừa Covid-19 và thực tiễn triển khai tiêm chủng trên diện rộng ở các quốc gia đã mang lại những tín hiệu tích cực về sức khỏe cho người dân và tiến đến hồi phục nền kinh tế. Giáo sư Klaus F. Zimmermann - Người đã thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu về nội dung “Toàn cầu hóa, Chế độ chính trị và Đại dịch Covid-19” (Globalization, Political Regimes, and the COVID-19 Pandemic) đã nhiệt tình chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình, qua đó gợi mở những nội dung nghiên cứu khác có cùng chủ đề tại Tọa đàm JST tháng 10.

Giáo sư Klaus F. Zimmermann là nhà kinh tế học người Đức và là giáo sư kinh tế học danh dự tại Đại học Bonn (Đức), Đại học Maastricht (Hà Lan), Đại học Free University Berlin (Đức), và Đại học Renmin University of China (Trung Quốc). Hiện nay, Giáo sư Klaus F. Zimmermann là Tổng Biên tập tạp chí Journal of Population Economics (ABS: 3, ABDC: A) và đồng thời là chủ tịch của Tổ chức Lao động Toàn cầu (Global Labor Organization). Các vấn đề tập trung nghiên cứu của Giáo sư Zimmermann bao gồm: Dân số, lao động, phát triển và di cư.

Mở đầu buổi Tọa đàm, Giáo sư Zimmermann đặt vấn đề: Liệu có phải toàn cầu hóa là nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19? Những thách thức mà đại dịch Covid-19 mang lại và vai trò của thể chế chính trị trong việc ứng phó với đại dịch là gì?

Giáo sư Zimmermann dẫn chứng nghiên cứu của Qiu và cộng sự (2020) đã chỉ ra rằng Trung Quốc thành công trong việc giảm thiểu tác hại ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhờ các biện pháp chính sách kịp thời, như: Biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, phong tỏa thành phố, các biện pháp y tế công cộng tại địa phương; Hạn chế tụ tập đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp; Hạn chế di chuyển từ địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cao đến địa phương khác... Kể từ khi vaccine ra đời đã giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19. Mặc dù việc chế tạo vaccine chỉ diễn ra ở vài quốc gia phát triển nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông qua hợp tác quốc tế, lượng vaccine đã và sẽ được phân bổ đến tất cả các quốc gia. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã đặt ra vấn đề cần nghiên cứu thêm về hệ thống cảnh báo sớm, đây là vấn đề không chỉ đặt ra với riêng các quốc gia phát triển như Mỹ, mà còn là vấn đề chung của cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Giáo sư Zimmermann khẳng định Covid-19 lây lan ra toàn thế giới với tốc độ nhanh khủng khiếp; trong đó, con người là yếu tố then chốt làm phát tán đại dịch. Giáo sư Zimmermann tiến hành nghiên cứu tác động ban đầu của toàn cầu hóa đối với việc lây lan đại dịch giữa các quốc gia về các chỉ số như: (1) Tốc độ lây nhiễm ban đầu; (2) quy mô lây lan; và (3) tỷ lệ tử vong. Từ dữ liệu thống kê đầy đủ được thu thập ở 118 quốc gia, kết quả phân tích cho thấy những quốc gia có nền kinh tế mở bị ảnh hưởng nhanh hơn, và chịu tác động lớn hơn – điều này liên quan đến sự tương tác giữa người với người thông qua du lịch và di cư; và hàm ý rằng đại dịch có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp tạo khoảng cách giữa các quốc gia, tập trung vào việc di chuyển của con người. Tuy nhiên, đây không phải là lập luận chống lại toàn cầu hóa, mà cho thấy có thể đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng y tế và thông qua hợp tác quốc tế để phòng ngừa dịch bệnh. Hiệu quả của đầu tư y tế và hợp tác quốc tế đã được khẳng định khi tỷ lệ tử vong thấp hơn mức ban đầu. Ngoài ra, cần phát triển các hệ thống linh hoạt để thực hiện các biện pháp giãn cách giữa các quốc gia một cách thích hợp và xác định chỉ số sớm để phát hiện khả năng xảy ra đại dịch trong tương lai. Thêm vào đó, cần có các chính sách thương mại để tăng cường trao đổi hiệu quả các hàng hóa và dịch vụ có liên quan đến dịch bệnh thay vì cản trở nó (không có chính sách “quốc gia” là trên hết, thay vào đó, cần có sự đoàn kết giữa các nước trên thế giới).

Một kết quả đáng ngạc nhiên từ nghiên cứu của Giáo sư Zimmermann là các quốc gia áp dụng biện pháp chống dịch ít cứng rắn thường có tỷ lệ lây nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong cao hơn so với các quốc gia áp dụng biện pháp chống dịch cứng rắn. Tuy nhiên, các quốc gia áp dụng biện pháp chống dịch ít cứng rắn có thể chưa phản ứng tức thời trong ngắn hạn nhưng lại đặt giá trị về tính mạng và sức khỏe của người dân cao hơn.

Kết thúc phần trình bày, Giáo sư Zimmermann tái khẳng định rằng cuộc chiến giảm nguy cơ lây nhiễm từ Covid-19 là cuộc chiến lâu dài. Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và là chiến lược lớn; chế độ chính trị không phải là trung tâm mà quan trọng hơn là hiểu hành vi để phát triển các chiến lược phản ứng phù hợp cho bối cảnh của từng quốc gia.

Phần trình bày của Giáo sư Zimmermann tại Buổi tọa đàm JST tháng 10 đã tạm khép lại Chuỗi hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) năm 2021 do JABES linh hoạt tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, JABES sẽ tiếp tục là cầu nối, triển khai tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận cũng như gợi mở những ý tưởng nghiên cứu tiếp theo.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Giáo sư Klaus F. Zimmermann thuyết trình bài nghiên cứu tại Tọa đàm

Học giả tham dự đặt câu hỏi trao đổi với Giáo sư Zimmermann trong phần Q&A

Giáo sư Zimmermann giải đáp thắc mắc của các học giả tham dự

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài – Tổng Biên tập JABES gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Zimmermann và bày tỏ mong muốn được trao đổi trực tiếp với Giáo sư Zimmermann trong tương lai

Thông tin thêm:

Tất cả các thông tin mới JABES và các sự kiện nổi bật như Hội thảo khoa học quốc tế ACBES, chuỗi Tọa đàm JST sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh thông tin chính thức của JABES như sau:

JABES Facebook: 

JABES Website: //www.jabes.mediadasar.com/

JABES on Emerald Group Publishing: 

ACBES Website: //acbes.mediadasar.com/

JABES Youtube: 

Tin, ảnh: JABES

 

 

 

Chia sẻ