[Báo Sài Gòn Tiếp Thị] Văn hóa trong hành trình hướng Việt Nam thành ‘Kinh đô ẩm thực’ thế giới
29 tháng 05 năm 2024
Ẩm thực không chỉ đơn thuần là những món ăn ngon mà còn là sự kết tinh của văn hóa, lịch sử và bản sắc của một dân tộc.
Văn hóa không thể tách rời
Trong hành trình để hướng Việt Nam trở thành một điểm đến ẩm thực là “Kinh đô ẩm thực” thế giới thì văn hóa đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên sức hút và sự độc đáo cho nền ẩm thực Việt Nam. Và ẩm thực chính là là nơi để văn hóa thể hiện, đó là cung cách, xử sự với mình và mọi người. Ở đâu có cái ăn, ở đó nó bộc lộ cách nghĩ, cách làm, nết người, lòng nhân ái… và cả những giá trị đạo đức.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm ‘Vai trò của Văn hóa trong hành trình hướng tới “Kinh đô ẩm thực” thế giới’ do Chi hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) và Khoa Du lịch thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Khắc Thuần, Nhà sử học, Nhà văn hoá học cho rằng từ xưa đến nay văn hóa và ẩm thực không thể tách rời nhau: “Nhìn người, người ta xét trước hết là nết ăn, nết ở, ông bà ta có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, việc ăn luôn đứng đầu, nhìn vào cách ăn thậm chí biết được con người đó sinh ra trong gia đình như thế nào, hiểu được con người đó ra sao”.
Các diễn giả và khách mời trong tọa đàm Vai trò của Văn hóa trong hành trình hướng tới “Kinh đô ẩm thực” thế giới’ do Chi hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) và Khoa Du lịch thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp tổ chức ngày 25/05/2024.
Văn hóa ẩm thực là di sản nghìn đời, nó tạo nên những không gian văn hóa vô cùng thú vị. Theo ông Trịnh Quang Dũng, Nhà nghiên cứu Văn hóa Việt: “Ẩm thực Việt Nam là sự kết tinh của ẩm thực truyền thống bản địa của 54 dân tộc anh em với ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Pháp. Do đó, ẩm thực của ta sẽ rất dễ hòa nhập và rất nhiều người đến với Việt Nam thưởng thức đều nói rằng: có cái gì đó của mình”. Minh chứng cho câu nói của mình, ông Dũng đề cập đến món bánh mì, ông cho rằng bánh mì có hơi hướng Tây nhưng lại là giá trị riêng của người Việt khi vỏ giòn, kết hợp nhân thịt và các loại rau khác nhau, tùy mỗi vùng lại có một loại nhân.
Tại buổi chia sẻ chuyên gia, doanh nghiệp cũng ý kiến, Việt Nam có thể trở thành nhà bếp của thế giới. Bởi vì, khi đến Việt Nam ẩm thực không chỉ là một màu mà nó được tạo nên bởi vùng miền, bởi nguyên liệu và đặc biệt là rất nhiều gia vị để chế biến.
Ông Nguyễn Thiên Di, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Dương cũng cho biết: “Ngoài việc giữ gìn văn hóa truyền thống, chúng ta cũng cần nhìn nhận văn hóa cũng sẽ có những cái không phù hợp, nhất là trong văn hóa ẩm thực. Không phải món ăn nào cũng phù hợp và dễ dàng tiếp cận, như việc nhiều người có thói quen ăn rắn, chuột, chó… Thế nên cần định hình lại cần gìn giữ những giá trị cốt lõi”.
Mặc khác, từ quá khứ và đặc biệt là hiện tại, sự giao thoa là điều không thể nằm ngoài quá trình phát triển của cuộc sống. Riêng đối với ẩm thực, khi những nền văn hóa và ẩm thực giữa các quốc gia được mở cửa đây cũng là cơ hội để “hội ngộ” và học hỏi lẫn nhau.
Hiện nay, ẩm thực fusion (ẩm thực kết hợp hay biến tấu) càng trở nên phổ biến và một nguyên liệu vốn thường được chế biến theo cách này trong nền ẩm thực này, nay có thể vay mượn phương thức chế biến của nền ẩm thực khác. Sau đó đặt vào cùng với những nguyên liệu khác trong món ăn gốc và vẫn được nhìn nhận như một sự cách tân, thử nghiệm hoặc sáng tạo, ông Di nói thêm.
Đưa ẩm thực quốc tế về Việt Nam hoặc kết hợp cùng sẽ là cách tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách. Nhưng cần chú ý, để tạo sự khác biệt của ẩm thực Việt Nam, bên cạnh việc đảm bảo giá trị dinh dưỡng, món ăn Việt Nam phải nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa truyền thống, đặc trưng của từng vùng miền… nhằm thu hút sự tò mò, muốn trải nghiệm và thưởng thức của du khách.
Nâng giá trị
Gần đây, các kênh du lịch, ẩm thực thế giới cũng chú ý và đưa các món ngon Việt Nam như bánh mì, phở, cà phê, canh chua… vào những danh sách bình chọn uy tín. Dù vậy, những danh hiệu cho món Việt được bên ngoài ghi nhận mang tính thụ động, chưa có những chiến lược nhận biết bài bản để đẩy mạnh hiệu quả trong phát triển thương hiệu quốc gia.
Bánh mì Anan Saigon có giá 100 đô la Mỹ. Ảnh: Hữu Bồi
Việt Nam sẽ còn nhiều món ngon, nhiều quán ăn địa phương có thể đạt đánh giá của cao của thế giới bởi những món ăn của người Việt vừa có yếu tố ngon, vừa có yếu tố lành. “Ẩm thực Việt Nam là một loại thực phẩm chức năng có định hướng khi có thể điều chỉnh phù hợp với từng người”, ông Trịnh Quang Dũng, nói.
Cần xét rằng, việc đạt một giải thưởng hay vinh dự được nêu tên ở một chuyên trang nào đó đang là một cơ hội để món ăn dễ dàng được nhiều người biết đến chứ không nằm trong một tiêu chuẩn của bất kỳ ai. Do đó, khi đã có cơ hội tiếp cận, chúng ta cần nắm bắt và chủ động xây dựng một bản đồ ẩm thực chuyên nghiệp, bài bản tầm cỡ. Ở đó sức lan tỏa của ẩm thực không còn là chuyện may rủi, hữu xạ tự nhiên hương, mà còn là xác lập một nền tảng văn hóa để làm gia tăng giá trị ẩm thực.
Làm việc tại một nhà hàng Nhật Bản tại TPHCM, bà Thanh Thuận cho biết: “Chúng tôi cố gắng đặt ẩm thực vào một không gian văn hóa và cho nói là một nghệ thuật trong việc ngoại giao. Khi tiếp những đoàn khách quốc tế, nhà hàng không chỉ đưa lên bàn những món ăn của người Việt mà đưa chúng vào không gian văn hóa của người Việt Nam. Đó có thể tạo dựng lại những ngôi nhà gỗ truyền thống, hay để khách thưởng thức trong không gian âm nhạc dân tộc có tiếng cồng, chiêng, đàn tranh, đàn bầu, trống cơm…”
Thực khách bỏ tiền không chỉ để mua món ăn, mà còn muốn biết, hiểu và nghe những câu chuyện ẩn sâu trong đó.
Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Chia sẻ