Nhiệt Tâm - Trọn Vẹn - Thấy Ra: Kim chỉ nam trên hành trình chinh phục tri thức
02 tháng 06 năm 2021
Để tiếp cận tri thức và tư duy mới; thêm trải nghiệm và tự tin trở thành công dân toàn cầu, du học là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ Việt. Tuy nhiên, dịch bệnh hiện nay đang là rào cản lớn cho ước mơ du học này. Chính lúc này, việc lắng nghe kinh nghiệm, nương theo dấu chân thành công của những người đi trước sẽ giúp các bạn trẻ có định hường đúng đắn và chuẩn bị tốt cho tương lai. Không quan trọng đi hay ở mà tư duy đúng sẽ định hướng hành động đúng và giúp bạn dễ dàng đi đến thành công hơn. Gần 20 năm du học, làm việc và định cư tại Úc, PGS.TS. Ngô Viết Liêm đã chia sẻ ba nguyên lý và ba bài học sâu sắc với các bạn trẻ trong chương trình “Chìa khóa du học - Dấu ấn đàn chim Việt” do Viện Đào tạo quốc tế (ISB) trực thuộc UEH tổ chức. Chương trình được phát trực tuyến vào sáng ngày 30/05/2021.
PGS.TS. Ngô Viết Liêm hiện đang công tác tại Đại Học New South Wales (UNSW Sydney), Úc - Top 50 trường ĐH tốt nhất thế giới và là Tổng Biên tập Tạp chí Australasian Marketing Journal (AMJ). Với gần 10 năm giảng dạy trong nước, cùng gần 20 năm làm việc và định cư tại Úc, Thầy đã trải qua nhiều cương vị khác nhau từ giảng viên, điều phối nghiên cứu khoa học, giám đốc chương trình Tiến sĩ, giám đốc chương trình Sau Đại học tại Khoa Marketing, Đại Học New South Wales với hoạt động giảng dạy: quản trị thương hiệu, tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), quảng cáo; đồng thời chủ trì nhiều dự án nghiên cứu quản trị thương hiệu, quản lý khách hàng, đổi mới mô hình kinh doanh và khởi nghiệp. Năm 2018, Thầy vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Trường Đại Học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh.
GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường UEH trao bằng Tiến sĩ danh sự cho PGS.TS. Ngô Viết Liêm
Ba Nguyên Lý: Nhiệt Tâm - Trọn Vẹn - Thấy Ra
Đây là kim chỉ nam trên hành trình khám phá tri thức của PGS.TS. Ngô Viết Liêm với ba nguyên lý: Nhiệt tâm - Trọn vẹn - Thấy ra. PGS Liêm cho biết ba nguyên lý này là những phẩm chất có sẵn nơi mỗi chúng ta. Nhiệt tâm là năng lượng và sự hứng thú trong công việc của mình. Khi chúng ta có sự hứng thú trong công việc mình làm thì sự hứng thú đó sẽ tạo ra năng lượng tích cực. Năng lượng này giúp chúng ta khắc phục và vượt qua rất nhiều thách thức trong học tập cũng như trong công việc, để từ đó lại tiếp tục tái tạo ra năng lượng mới.
Trọn vẹn là tập trung và biết rõ việc mình đang làm. Có “hứng thú” trong công việc không thì chưa đủ mà mình cần phải tập trung với công việc và biết rõ việc mình đang làm mới có thể phát huy được sự sáng tạo. Trong công việc PGS. Liêm đang làm thì việc sáng tạo để tạo ra cái mới và truyền tải tri thức mới đến với sinh viên là điều rất quan trọng.
Thấy ra là học ra những bài học nơi chính mình. Trong quá trình học tập và làm việc, PGS Liêm chia sẻ ba bài học chính: 1. Tự học là chính; 2. Mở rộng giới hạn bản thân; và 3. Phục vụ để hoàn toàn.
Bài học thứ nhất: Tự học là chính
Bài học đầu tiên mà PGS. Liêm rút ra đó chính là “tự học là chính”, mình là người thầy của chính mình. Những khó khăn Thầy gặp phải khi du học là rào cản ngôn ngữ và lĩnh vực kiến thức chuyên môn mới mẻ về quản trị và marketing. Thầy là dân kỹ thuật, học tiếng Nga suốt 7 năm phổ thông và 5 năm đại học, và chỉ bắt đầu học Tiếng Anh ở năm cuối đại học. Thầy đã nhiệt tâm tự tìm hiểu, tự học hỏi và nghiên cứu để thấy được gốc rễ của vấn đề. Sự nhiệt tâm và hứng thú học hỏi đã mang đến năng lượng tích cực giúp Thầy vượt qua và khắc phục những khó khăn đó.
Bàn về việc nhiều người trẻ cảm thấy không hứng thú ngay khi bắt đầu công việc, PGS. Liêm cũng chia sẻ góc nhìn từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy của mình: Điều quan trọng đầu tiên là các bạn phải “Thấy ra” để điều chỉnh thái độ của mình cho phù hợp. Khi các bạn thấy ra mình không hứng thú với công việc, đừng đặt quá nhiều mục tiêu hay kỳ vọng khi nào hoàn thành sẽ khiến tâm lý không hứng thú càng khuếch đại thêm. Đây là lúc nguyên lý thứ hai: Trọn vẹn bắt đầu đóng vai trò quan trọng, đó là tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm. Và khi hoàn thành công việc, năng lượng tích cực sẽ được tái tạo để các bạn có thể vượt qua cảm giác không hứng thú với công việc.
Thầy cho rằng đến một độ chín nhất định, Nhiệt tâm - Trọn vẹn - Thấy ra sẽ diễn ra một cách tự nhiên và giúp mình tự do trong việc mình làm. “Tự do là ung dung trong ràng buộc”, chúng ta khó tránh khỏi những ràng buộc trong cuộc sống và công việc. Ràng buộc là chất liệu để chúng ta thấy ra bài học để từ đó thay đổi nhận thức và hành vi. Vì vậy, thái độ của chúng ta đối với ràng buộc sẽ quyết định độ tự do của chúng ta. Lấy minh chứng từ việc PGS từng mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc vượt qua rào cản về ngôn ngữ và rèn luyện kỹ năng viết học thuật từ lúc bắt đầu đến khi viết được bài báo công bố quốc tế. Với PGS, hiện tại, có thể ngồi xuống và viết một đoạn trong bài báo là một niềm vui, một phần thưởng chứ không phải là việc mình phải làm. Nhiệt tâm trước đây là ràng buộc, giờ đây là niềm vui và diễn ra rất đỗi tự nhiên dẫn đến sự tự do trong công việc. Hiện tại, ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu về Marketing, Thầy cũng “Thấy ra” và chuyển hướng nghiên cứu về tiến trình tư duy cảm xúc và hành vi của cá nhân và của chính mình. Lĩnh vực này mang đến cho Thầy nguồn cảm hứng tự do mới, giúp Thầy nhiệt tâm, trọn vẹn để luôn sáng tạo trong công việc.
Đối với các bạn trẻ chưa có chính kiến khi quyết định những vấn đề lớn như du học, lựa chọn nghề nghiệp hay nghe theo ba mẹ chỉ để làm ba mẹ vui, PGS khuyên rằng: Khi chưa lên đỉnh núi, chúng ta khó thấy bức tranh toàn cảnh. Do đó, các bạn nên nên đi theo dấu chân thành công của những người đi trước. Một cách để vượt qua sự không hứng thú là làm vui lòng và mang lại lợi ích cho người khác vì đó có thể là điểm khởi đầu. Nếu từ ban đầu chưa tự xác định được hướng đi, các bạn có thể theo định hướng của ba mẹ, sau này, khi các bạn có nhiều trải nghiệm hơn, các bạn sẽ tự “Thấy ra” mình phải thay đổi, tự tìm câu trả lời cho chính mình, để tìm thấy động lực, hứng thú và cuối cùng là tự điều chỉnh con đường phù hợp với bản thân.
Bài học thứ 2: Mở rộng giới hạn bản thân
Sự nhiệt tâm và hứng thú trong việc tự học đã đề cập ở bài học thứ nhất đã giúp PGS Liêm vượt qua được những khó khăn, và cũng từ đó PGS thấy ra bài học thứ hai “mở rộng giới hạn bản thân”, từ đó mình sẽ trưởng thành hơn “Nếu như người khác làm được thì mình làm được”. Bài học thứ hai này có thể thấy qua những thành quả nghiên cứu của PGS Liêm tăng lên theo thời gian cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng chính là kết quả của việc áp dụng cả 3 nguyên lý Nhiệt tâm - Trọn vẹn - Thấy ra. Công việc nghiên cứu mang lại cho PGS. Liêm sự hứng thú, và sự nhiệt tâm ở giai đoạn này không còn là điều kiện ràng buộc nữa mà trở nên rất tự nhiên và sẽ giúp mình “trọn vẹn” và “học ra bài học” nơi chính mình. Trong lĩnh vực học thuật, tri thức chúng ta tạo ra sẽ không bao giờ có điểm dừng, vì bản thân tri thức luôn có những hạn chế nên luôn có những ý tưởng nghiên cứu mới để tiếp tục tìm hiểu và khám phá.
Bài học thứ 3: Phục vụ để hoàn toàn
Thầy đã chia sẻ về vai trò Tổng Biên tập Tạp chí để minh họa cho bài học thứ ba “Phục vụ để hoàn toàn”: Phục vụ cộng đồng để hoàn thiện bản thân. Để quản lý toàn bộ sự vận hành của Tạp chí AMJ đòi hỏi nhiều yếu tố, Thầy phải học hỏi mỗi ngày. Thời kỳ đầu tiếp quản Tạp chí hạng B theo đánh giá ABDC, nhờ sự hứng thú, nhiệt tâm với nhiệm vụ này, sau một nhiệm kỳ đầu, với sự giúp đỡ của nhiều cộng sự, Tạp chí đã lên hạng A. Năm 2020, PGS và cộng sự mất gần một năm để ký kết hợp tác với nhà xuất bản Sage Publishing. Sự thay đổi này mở ra nhiều cơ hội mới, kết nối mới, bộ mặt mới cho Tạp chí AMJ. Nhờ đó, các chỉ số đánh giá Tạp chí đều tích cực. Thầy cho rằng đây là công việc phục vụ cho cộng đồng giúp hoàn thiện bản thân mình.
Bên cạnh đó, dù đang định cư ở Úc, nhưng Thầy luôn hướng về Việt Nam, “Ra đi để trở về”. Thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ NCS, giảng viên trẻ tại Việt Nam cũng như tham gia giảng dạy về phương pháp nghiên cứu, tham dự hội thảo quốc tế.
PGS.TS. Ngô Viết Liêm chia sẻ tại khóa đào tạo CEO của Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Chia sẻ kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu trẻ về làm thế nào để giữ lửa và động lực cho bản thân trong suốt thời gian tự do nghiên cứu, theo Thầy, thành quả lao động, cụ thể bài báo khoa học được công bố là động lực quan trọng. Từ kết quả này, nhà nghiên cứu “Thấy ra” mình làm được, sau đó, mình có thể vượt qua giới hạn của bản thân và càng hứng thú hơn với việc nghiên cứu. Bên cạnh đó, PGS cho rằng ba thành phần quan trọng trong công thức để tạo ra tri thức bao gồm: (1) Xác định hiện tượng hay vấn đề cần nghiên cứu; (2) Sử dụng lý thuyết, logic, bằng chứng thực nghiệm để giải thích hiện tượng đó; (3) Dùng ngôn ngữ truyền tải tri thức mới này. Trong đó, hai thành phần sau đều có giới hạn tự thân của nó. Cụ thể, lý thuyết và ngôn ngữ đều có tính tương đối và gần đúng trong một phạm vi nhất định. Một cách hình tượng, hiện tượng nghiên cứu là cây, lý thuyết và ngôn ngữ là bóng cây, nương theo bóng cây chúng ta tìm tới gốc thì sẽ thấy cây. Cây cũng là biểu tượng của sự thật, của chân lý, của tri thức mà các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm và khám phá.
Để xây dựng một bài nghiên cứu hay, đáng tin cậy và thu hút độc giả, ba yếu tố quan trọng cần lưu ý. (1) Hiện tượng và vấn đề nghiên cứu là gì? Ai quan tâm đến nghiên cứu này (nhà quản lý hay cộng đồng học thuật); (2) Xây dựng lý thuyết để lý giải hiện tượng và chứng minh với bằng chứng thực nghiệm khoa học; (3) Liệu hiện tượng đã được lý giải bằng lý thuyết với bằng chứng thực nghiệm đó có làm thay đổi tư duy và hành động của nhà quản trị và cộng đồng học thuật trong lĩnh vực đó không. Trong đó, yếu tố thứ 3 là thách thức nhất đối với các nhà nghiên cứu.
Hy vọng với ba nguyên lý sâu sắc: Nhiệt tâm - Trọn vẹn - Thấy ra và ba bài học: Tự học là chính, Mở rộng giới hạn bản thân, và Phục vụ để hoàn toàn, các bạn trẻ sẽ sớm tìm ra con đường phù hợp và phát triển tối đa tiềm năng bản thân, là những Cánh chim tận hưởng sự tự do đích thực như trong bài thơ khép lại phần chia sẻ của PGS. Ngô Viết Liêm.
Xin trả chim đôi cánh
Đôi cánh nhẹ bay xa
Ta trở về lặng lẽ
Một mình ngắm mây qua.
(Thiền sư Viên Minh)
Chi tiết về chương trình live webinar, xem thêm tại:
Cơ quan báo chí đưa tin:
Báo Dân trí:
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ