Tọa đàm chính sách Thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ TP.HCM

29 tháng 02 năm 2024

Ngày 29/02/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức thành công “Tọa đàm chính sách Thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ TP.HCM” nhằm tạo nên nền tảng đối thoại chính sách cho các bên liên quan, bao gồm các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.

Tham dự buổi tọa đàm, về phía đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành TP.HCM, có sự hiện diện của TS. Lê Trương Hải Hiếu - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM; TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai NQ98/2023/QH15; PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED); TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II; PGS.TS. Vũ Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai NQ98/2023/QH15; Đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên, Môi trường tỉnh Vĩnh Long, Viện quy hoạch xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.

Về phía doanh nghiệp, có sự tham dự của Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CT group); Đại diện từ TBS Group, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, Niềm Tin Việt, Công ty cổ phần Tài Việt, Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy tân và đại diện Nhóm Chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EURO CHARM).

Về phía UEH có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học; GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học; PGS.TS Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học; GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học; TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc Đại học; PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; cùng với các học giả, nhà nghiên cứu quan tâm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và chống biến đổi khí hậu. Thị trường carbon được chia thành hai loại: Thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải KNK) và Thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon). Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cho phép các tổ chức mua bán, trao đổi các hạn ngạch phát thải KNK và một tỷ lệ nhất định các tín chỉ carbon. Thị trường carbon bắt buộc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải KNK. Chẳng hạn, Hệ thống Thương mại khí thải Liên minh Châu Âu (EU-ETS): Là thị trường carbon bắt buộc lâu đời và thành công nhất thế giới, đã giúp giảm phát thải KNK trong khu vực EU hơn 40% kể từ năm 2005. Thị trường liên kết California-Quebec: Là thị trường carbon bắt buộc ở Bắc Mỹ, đã giúp giảm phát thải KNK trong khu vực hơn 10% kể từ năm 2013. Từ năm 2021, Trung Quốc trở thành thị trường carbon có quy mô lớn nhất thế giới (chiếm gần 50% toàn cầu về lượng giảm KNK).

Theo số liệu của Ngân hàng Thế Giới năm 2023, so với công cụ thuế carbon (dù đã phát triển từ năm 1990), thì thị trường carbon bắt buộc góp phần giảm KNK toàn cầu cao gấp ba lần (5.62%, tương đương 2.76 tỷ tấn CO2e và 17.64%, tương đương 8.91 tỷ tấn CO2e) và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, bản thân thị trường cũng tiềm ẩn những thất bại như cạnh tranh không hoàn hảo, thông tin bất cân xứng, … Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một số hạn chế điển hình của thị trường carbon như:

● Giá carbon: Giá carbon hiện nay được cho là chưa đủ cao để thúc đẩy các khoản đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch.

● Rò rỉ carbon: Một số tổ chức có thể chuyển hoạt động sang các khu vực không có quy định hoặc quy định ít nghiêm ngặt hơn về phát thải để tránh chi phí mua hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

● Tính thanh khoản: Một số thị trường carbon thiếu thanh khoản, khiến việc mua bán hạn ngạch phát thải trở nên khó khăn.

Ở khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có Indonesia đã triển khai thực hiện thị trường carbon bắt buộc cho ngành năng lượng từ ngày 22 tháng 02 năm 2023. Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị thí điểm từ năm 2025 và sẽ chính thức vận hành từ năm 2028 theo Nghị Định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Song hành với thị trường carbon bắt buộc là thị trường carbon tự nguyện, trong đó cho phép các cá nhân và tổ chức mua và bán tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải carbon dư thừa hoặc không thể tránh khỏi trên cơ sở tự nguyện. Thị trường carbon tự nguyện tạo ra một cơ chế hiệu quả giúp đẩy nhanh các hành động nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Nhu cầu tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện đã tăng đáng kể trong những năm gần đây khi nhiều doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu về trách nhiệm xã hội và môi trường và ngày càng nhiều cá nhân muốn bù trừ dấu chân carbon của mình. Theo Báo cáo thông tin chi tiết của Ecosystem Marketplace, nguồn cung tín chỉ carbon trên thế giới tăng nhanh với khoảng 240 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành trong giai đoạn 2010-2021, trong đó 92 triệu tín chỉ được sử dụng để bù đắp cho phát thải KNK của các tổ chức và cá nhân với tổng giá trị giao dịch của toàn bộ thị trường đạt đạt 2.400 triệu USD và ước đạt khoảng 3.200 triệu USD trong năm 2024.

Mặc dù việc hình thành thị trường carbon vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, trong thời gian qua Việt Nam đã tham gia thị trường carbon quốc tế thông qua việc thực hiện các dự án tín chỉ carbon mà đầu tiên là cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2005 với tổng số tín chỉ carbon (VCCs) ban hành đạt gần 30 triệu. Bên cạnh Cơ chế CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Theo cơ sở sở dữ liệu của Dự án Carbon Berkeley, tính đến nay Việt Nam có 71 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 53 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ đươc phát hành lần lượt là 7.573.843 và 4.256.407. Ngoài ra, một số dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) và cơ chế của hội đồng carbon toàn cầu (GCC). Các dự án phát hành các tín chỉ carbon tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió), hộ gia đình và cộng đồng (phân huỷ sinh học, nước sạch, bếp nấu, chiếu sáng), quản lý rác thải và rừng.

Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM – Carbon Border Adjustment Mechanism), nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. CBAM sẽ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải khí nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, cần nhiều nghiên cứu, diễn đàn thảo luận chuyên sâu hơn để có thể phân tích đa chiều tác động của CBAM và tận dụng các lợi thế, phát triển các sáng kiến nhằm tăng tốc lộ trình đạt mục tiêu trung hòa carbon cho Việt Nam cũng như TP. Hồ Chí Minh.

Là một thành phố năng động và phát triển nhanh chóng, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí (phát thải hơn 60 triệu tấn CO2/năm, chiếm khoảng từ 18-23% cả nước). Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố, bao gồm:

● Giảm phát thải khí nhà kính: Thị trường carbon sẽ là công cụ hiệu quả giúp giảm thải khí nhà kính hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

● Hiệu quả kinh tế: Thị trường carbon sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các đầu vào sản xuất, từ đó góp phần gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và nâng cao năng lực cạnh tranh (Giả thuyết Porter).  Đồng thời, việc phát triển thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp thành phố tạo nguồn thu đáng kể thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải KNK từ các nguồn năng lượng dồi dào như mặt trời, gió, và rác thải. 

● Thu hút đầu tư và tạo việc làm: Thị trường carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế, v.v., thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới.

● Nâng cao vị thế quốc tế: Việc tham gia vào thị trường carbon quốc tế sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.

● CBAM là một cơ hội và thách thức đối với TP. Hồ Chí Minh: Việc khai thác các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 hiệu quả sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức và góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, năng động, sáng tạo, hiệu quả, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn trong khi vẫn đặt lợi ích môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hạn ngạch phát thải KNK và CBAM có thể gây ra một số tác động tiêu cực đòi hỏi các nhà nghiên cứu và chính quyền thành phố nên đặc biệt quan tâm. Với những doanh nghiệp không thể bù đắp chi phí sản xuất tăng thêm do hạn ngạch hoặc những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU phải tốn thêm chi phí sẽ phải thu hẹp sản xuất, giảm công ăn việc làm, và giảm nguồn thu ngân sách. Điều này được dự báo có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của thành phố trong ngắn hạn. Chính vì thế, chúng ta cần phải dự đoán được những tác động tiêu cực để có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách về phí và lệ phí môi trường nhằm hài hòa mục tiêu môi trường và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, những hiểu biết về tác động của thị trường carbon đối với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung sẽ cơ quan chức năng có cách thức quản lý và điều tiết hợp lý để thị trường hoạt động có hiệu quả.  

Tọa đàm chính sách Thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ TP.HCM nhằm mục tiêu tạo nền tảng đối thoại chính sách cho các bên liên quan, bao gồm các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ. Đây cũng chính là diễn đàn:

● Chia sẻ và trình bày những thách thức dự kiến doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ gặp phải khi thị trường carbon đi vào vận hành tại TP.HCM;

● Đánh giá cơ hội chính sách carbon mang lại cho doanh nghiệp và cộng đồng, đồng thời nhận dạng cách thức có thể tận dụng các lợi ích này;

● Tạo cơ hội cho các nhóm đối tượng tham dự, bao gồm doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và cơ quan quản lý đưa ra ý kiến đóng góp về những khía cạnh cụ thể của chính sách và quản lý thị trường carbon;

● Đặt ra các vấn đề cần được nghiên cứu chi tiết hơn để xây dựng cơ sở dữ liệu và bằng chứng khoa học về thị trường carbon tại TP.HCM;

● Phát triển lộ trình nghiên cứu để giải quyết những thách thức và cơ hội đặt ra;

● Định hình giải pháp và chiến lược đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chính sách trong bối cảnh TP.HCM.

GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH chia sẻ: “Với đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu uy tín chất lượng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và triển khai thực hiện thị trường carbon cho thành phố thông qua các hoạt động như: (1) Nghiên cứu - UEH có thể đồng hành cùng các địa phương thực hiện các nghiên cứu về thị trường carbon, về tác động của cơ chế CBAM và đề xuất giải pháp thích ứng, bao gồm đánh giá tiềm năng, xây dựng mô hình, và đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp; (2) Tư vấn - UEH có thể cung cấp tư vấn cho các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và các bên liên quan khác về thị trường carbon và các sáng kiến liên quan; (3) Đào tạo - UEH có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường carbon, bao gồm các chuyên gia về kinh tế và quản lý môi trường, tài chính bền vững, quản lý ngân sách, luật môi trường, và các hệ thống quản lý môi trường.”

GS.TS. Sử Đình Thành phát biểu trong buổi Tọa đàm

Trong khuôn khổ tọa đàm, các học giả đã trình bày nghiên cứu về các công cụ của thị trường carbon và các hàm ý chính sách cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM bao gồm:

“Thị trường carbon bắt buộc ở Việt Nam: tác động và hàm ý chính sách cho doanh nghiệp” do TS. Trần Mỹ Minh Châu và ThS. Phùng Thanh Bình trình bày.

ThS. Phùng Thanh Bình trình bày nghiên cứu

“Thị trường carbon tự nguyện: chính sách thúc đẩy cung và cầu tín chỉ carbon tại TP.HCM” do TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung và ThS. Hoàng Lê Nam Hải trình bày.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung và ThS. Hoàng Lê Nam Hải trình bày nghiên cứu

“Thuế carbon xuyên biên giới: tác động và tiềm năng chính sách cho TP.HCM” do ThS. Đặng Thị Bạch Vân trình bày.

ThS. Đặng Thị Bạch Vân trình bày nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu thị trường carbon của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị từ năm 2023, mang đến những báo cáo hữu ích trong Tọa đàm. Thị trường carbon là một vấn đề khó, mặc dù đã có nhiều đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào tập trung vào TP.HCM. Do đó, sau tọa đàm này, các vấn đề nghiên cứu được đặt ra đối với TP.HCM sẽ phải được nghiên cứu sâu hơn nhằm đưa ra những đề xuất những chính sách phát triển thị trường carbon gắn với cơ chế 98.

Các báo cáo trong tọa đàm bước đầu đề ra một số gợi ý chính sách phát triển thị trường carbon ở TP.HCM như sau:

Để tăng cường vai trò là bên phát hành tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện, TP.HCM có thể xem xét ưu tiến ban hành một số chính sách như sau:

● Mặc dù có thuận lợi về cơ chế tài chính theo Nghị quyết 98, TP.HCM cần phải ban hành chính sách quy định về nguồn vốn tài trợ và các phương thức sử dụng vốn cho hoạt động phát triển dự án phát hành tín chỉ carbon. Cơ chế tài chính rõ ràng giúp Thành phố phân bổ nguồn lực công hợp lý, đồng thời đáp ứng được nhu cầu về vốn trong suốt vòng đời của dự án nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng của tín chỉ carbon có thể phát hành.

● Việc triển khai các dự án phát hành tín chỉ carbon cần phải đáp ứng được yêu cầu của các cơ chế định giá carbon. Chính vì vậy, TP.HCM cần ban hành các hướng dẫn liên quan đến quản lý và vận hành dự án, trong đó cần nêu rõ vai trò của từng cơ quan trong hoạt động triển khai, theo dõi giám sát và đánh giá hiệu quả nhằm đảm bảo dự án đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức định giá tín chỉ và phát hành thành công tín chỉ ra thị trường.

● Nếu các dự án phát hành thành công tín chỉ carbon sẽ mang đến nguồn thu lớn vào ngân sách. Chính vì vậy, Thành phố cần có chính sách quy định rõ việc sử dụng và giám sát các nguồn thu này cho mục đích tái đầu tư vào các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường.

● TP.HCM có thể xem xét hợp tác với các tổ chức tư nhân để tận dụng nguồn lực về tài chính, nhân sự và kỹ thuật, nhằm gia tăng quy mô và hiệu quả của các dự án tiềm năng. Trong trường hợp này, TP.HCM cần ban hành chính sách quy định việc hợp tác phát triển công ty trong thị trường carbon tự nguyện nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên.

Với vai trò là người mua tín chỉ carbon, TP.HCM cần xây dựng lộ trình và các nền tảng nghiên cứu rõ ràng các vấn đề cụ thể:

● Độ xác thực và đáng tin cậy của các tín chỉ carbon được phát hành bởi các tổ chức khác nhau khi thực tế cho thấy mỗi tổ chức lại có cách đánh giá khác nhau. Việc này cần hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín đề xây dựng hệ thống thẩm định và giám sát dự án hiệu quả.

● Gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp, ngành nghề sẽ khác nhau, nếu không có các chính sách hỗ trợ phù hợp có thể gây nên nhiễu loạn thị trường.

● Tham khảo kinh nghiệm của thế giới để thành lập các Quỹ cho mục đích bảo vệ môi trường. Điển hình như Quỹ bảo vệ môi trường New Zealand hỗ trợ các dự án giảm phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín chỉ carbon từ các dự án này.

● Để thúc đẩy hoạt động của thị trường, TP.HCM nên trang bị kiến thức và tăng cường nhận thức về thị trường carbon cho doanh nghiệp và cộng động. TP.HCM có thể xem xét ban hành các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập mục tiêu và kế hoạch giảm phát thải một cách tự nguyện và giao dịch tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải của cơ sở.

 Đề xuất cơ chế cho TP. Hồ Chí Minh ứng phó với thuế carbon xuyên biên giới:

● Chính quyền thành phố ban hành một loại phí mới, chẳng hạn phí carbon và sử dụng số thu từ nguồn này hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.

● Chính quyền thành phố tích cực hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải carbon.

● Chính quyền thành phố chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các tài sản công trên địa bàn thành phố để có thể giảm thiểu phát thải từ việc sử dụng điện, hướng đến lộ trình trở thành một nhà cung cấp tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.

Có thể khẳng định, tọa đàm đã mang đến những cơ hội và thách thức nghiên cứu thị trường carbon. Theo đó, thị trường carbon là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. TP. Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để triển khai thí điểm và vận hành thị trường carbon góp phần mang lại nhiều lợi ích cho thành phố, cũng như cả nước. Với nỗ lực và trách nhiệm của một đại học trọng điểm quốc gia, sẵn sàng nghiên cứu cho sự phát triển bền vững, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cam kết đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển thị trường carbon của Việt Nam. 

Một số hình ảnh của Tọa đàm:

Tin, ảnh: Trường Kinh tế, Luật và quản lý nhà nước UEH, Phòng Marketing - Truyền thông

Cơ quan báo chí đưa tin:

1. Thông tấn xã Việt Nam: 

2. Báo Nhân dân: T

3. Thời báo Tài chính Việt Nam: 

4. Tạp chí điện tử đầu tư tài chính: 

5. Trang tin Đảng bộ TP.HCM: 

6. Dân Trí: 

7. Vietstock: 

8. Vietstock: 

9. VietnamBiz: 

10. Tạp chí Tài chính và Cuộc sống: 

11. Bnews: 

12. Diễn đàn doanh nghiệp: 

13. Nhịp cầu đầu tư: 

14. Đài tiếng nói Việt Nam: 

15. Cổng thông tin điện tử TP.HCM: 

Chia sẻ